Thiếu ‘vốn’, hôn nhân dễ ‘phá sản’

1 12 2006

Thiếu hiểu biết về tình dục có thể khiến gia đình trẻ rạn nứt. Ảnh: Procorbis.com.
Chị Thu Lan, tiểu thương bán quần áo ở chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh, TP HCM, nước mắt ngắn dài nhìn cái bụng bầu 7 tháng, kể: “Em nghe nói mang thai mà quan hệ tình dục sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên khuyên anh ấy tạm kiêng. Mới đầu chồng em đồng ý, nhưng được gần một tháng lại…”.
Đã ốm nghén, bực dọc trong người, thấy chồng quá vô tâm nên Lan to tiếng. Còn anh chồng nghe bạn bè nói, vợ có thai vẫn có thể làm “chuyện ấy” nên không nghe. Gần đây, họ cãi nhau liên tục. Chồng Lan còn đi uống bia ôm nửa đêm mới về nhà. Lan đã nghĩ đến chuyện ly dị, nhưng thương đứa con trong bụng nên lại thôi.
Cô tìm đến chuyên viên tư vấn hỏi: “Em muốn biết thực sự mang thai rồi có được gần gũi chồng hay không? Bây giờ muốn đưa anh ấy đi xét nghiệm thì làm cách nào? Em sợ anh ấy lỡ mang bệnh rồi lây sang con”. Và cô hết sức ngỡ ngàng khi biết rằng, đối với tình trạng sức khoẻ bình thường như cô, “yêu” khi có bầu không gây nguy hiểm vì thai nhi được bảo vệ chắc chắn bởi các thành từ cung, cũng như của túi nước, chỉ cần ông xã nhẹ nhàng hơn một chút.
Cũng “chết vì thiếu hiểu biết” nhưng bi đát hơn, Diễm Lệ ở quận Bình Tân, TP HCM tìm đến trung tâm tư vấn khi tờ giấy ly hôn đã được anh Công, chồng chị ký sẵn.
Cưới nhau năm 2002, họ đã sinh được một đứa con trai kháu khỉnh thì bất ngờ đầu năm 2004, da anh Công bỗng vàng vọt lạ thường. Đi khám về, anh buồn bã nói với vợ: “Anh bị viêm gan B mãn tính rồi, hai mẹ con hạn chế tiếp xúc với anh, bệnh này có thể lây qua nhiều đường, kể cả tuyến nước bọt”. Từ đó, mẹ con Lệ chỉ dám ngồi xa xa nhìn anh, ăn cơm cũng không dám ngồi chung.
Mặc cảm vì làm khổ vợ con, anh Công thường xuyên tìm cớ ra khỏi nhà. Vợ chồng từ đó cũng ít có dịp chuyện trò với nhau. Sau một lần uống say, anh viết đơn ly dị. Hốt hoảng, chị tìm đến trung tâm tư vấn. Chị không ngờ tình thế của mình lại được tháo gỡ một cách đơn giản: chỉ cần hai mẹ con đi tiêm văcxin ngừa bệnh là được. Chị mừng như bắt được vàng. Thế nhưng, khi chị về thì anh đã lẳng lặng bỏ nhà đi rồi.
Có nhiều gia đình trẻ khác cũng do không nắm được kiến thức sức khoẻ sinh sản nên phải mang nặng nỗi đau trong ân hận. Chị Ngọc Liên, chủ một tiệm may áo dài ở Phú Nhuận, TP HCM, không nén được nước mắt khi nhìn đứa con trai duy nhất bị dị tật hở hàm ếch, vá được hàm ếch lại phát bệnh rối loạn thần kinh. “Sức khỏe tôi không tốt lắm, hay bị cảm cúm, nhất là những lúc mang thai. Hai lần mang bầu trước đều bị sẩy hay thai chết lưu. Vừa rồi, đi tư vấn về việc tránh thai, tôi mới được biết phụ nữ lấy chồng phải tiêm ngừa bệnh cúm. Ân hận quá, phải chi mình biết sớm thì đâu nên nỗi”, chị đau đớn nói.
Xây móng vững trước khi lập gia đình
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) sức khoẻ sinh sản là sự thoải mái toàn diện về cả thể chất, tinh thần và cả các mối quan hệ xã hội của tất cả vấn đề liên quan đến cơ quan sinh sản và hoạt động của nó, chứ không đơn thuần là tình trạng không bệnh tật, tàn phế của bộ phận sinh sản.
Thế nhưng, không ít bạn trẻ đã quan niệm một cách đơn giản là bộ máy sinh sản hoạt động trơn tru là được và yên tâm rằng mình đã “biết hết”. Thế nên, khi đụng chuyện họ mới vỡ lẽ và lúng túng, từ đó nảy sinh mâu thuẫn và rạn nứt gia đình.
Như trường hợp của Đình Toán chẳng hạn. Anh lập gia đình với Kiều Lan khi mới 20 tuổi. Họ thích thì cưới chứ chưa hình dung sẽ gặp khó khăn ra sao khi sinh con. Cưới đầu năm, cuối năm họ đã có con gái đầu lòng. Thu nhập từ nghề bảo vệ của Toán không lo nổi tiền sữa cho con, gia đình ở quê không giúp đỡ được gì nên anh phải tìm thêm một mối trực đêm. Khi con cứng cáp một chút, Lan tìm đến cửa hàng điện thoại di động, nơi cô từng làm việc trước khi sinh con để xin làm lại nhưng bị từ chối bởi dáng vóc không còn đạt.
Tìm việc chưa được, con gái lại bệnh lên bệnh xuống, Lan đành ở nhà ôm con. Sau gần một năm làm việc quá nặng nhọc, anh Toán ngày càng bơ phờ. Những lúc đi làm về mệt, con khóc réo, vợ lại léo nhéo chuyện tiền bạc, anh không kiềm được sự to tiếng. Cuộc sống gia đình chưa thoát được cái khó, chị Lan lại tiếp tục mang thai. Đứa con gái thứ hai chào đời, chị phải gửi đứa thứ nhất về nhà ngoại.
Ngoài việc lên kế hoạch sinh con để đảm bảo ổn định kinh tế và sức khoẻ, chuyện chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống vợ chồng cũng là nỗi khổ mà không ít cặp vợ chồng trẻ vướng phải.
Chị Thanh Vân ở quận 3, TP HCM, không thể ngờ có ngày mình phải làm dâu hết thảy mọi người bên nhà chồng. Ngay cả chồng chị trước đây hết lòng chiều chuộng người yêu, sau khi cưới cũng “trở mặt” đòi hỏi vợ phải chăm sóc mình nhiều hơn.
Từ ngày về nhà chồng, cách suy nghĩ, ăn mặc, nói năng, chị đều phải tập lại cho phù hợp. Vốn là con một, được cha mẹ cưng chiều, nay gặp phải sự thay đổi quá đột ngột về tâm lý, nên hễ gặp bạn bè là chị than: “đầu óc mình lúc nào cũng căng thẳng vì sợ mẹ chồng trách mắng”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản TP HCM, nhận định: việc tư vấn và khám tiền hôn nhân là cực kỳ quan trọng đối với các đôi bạn trẻ. Ở các nước trên thế giới, việc này mang tính bắt buộc đối với những ai đăng ký kết hôn, còn ở ta thì không.
Tình trạng phổ biến hiện nay là thanh niên khi chưa có gia đình thì e ngại tiếp tận thông tin về sức khoẻ sinh sản một cách thiếu hệ thống và cơ sở khoa học, dẫn đến thiếu hiểu biết hoặc hiểu lệch lạc. Đến lúc lập gia đình rồi, họ mới mới mò mẫm lại thì không kịp nữa. Vì thế, theo theo bác sĩ Thông, các bạn trẻ cần phải chuẩn bị tinh thần để bước vào đời sống tình dục một cách lành mạnh, lên kế hoạch, thời gian cho việc sinh đẻ, trích ngừa bệnh tật, cách tránh thai hiệu quả, cách chăm sóc thời kỳ mang thai, tâm lý khi làm vợ, làm chồng, làm dâu. Nhà muốn xây đẹp, xây cao thì phải có cái móng vững đã. Tích luỹ “vốn” trước khi lập gia đình sẽ giúp cho các cặp vợ chồng trẻ luôn chủ động trong cuộc sống và dễ dàng vượt qua khó khăn, vun vén hạnh phúc trọn vẹn hơn.


Actions

Information

Leave a comment